Tin tức Tin tức bất động sản
Bloomberg: Việt Nam đang trở thành công xưởng mới của Châu Á
Thứ sáu | 03/04/2015 15:23
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, kết cấu dân số trẻ và chi phí nhân công thấp đang là những “điểm cộng” giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của Châu Á.
Tóm tắt:
 
- Theo Bloomberg, danh sách các quốc gia châu Á có hoạt động sản xuất sôi động hiện nay không chỉ bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, mà còn có một cái tên mới là Việt Nam.
 
- Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam liên tục tăng và đạt trên 50 điểm kể từ tháng 8 năm 2013 đến nay. Đây là mức điểm cao nhất trong số tất cả quốc gia châu Á mà HSBC và Markit Economics theo dõi.
 
- Một trong những điểm mạnh khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài chính là chi phí tiền lương thấp.
 
Bloomberg cho biết, danh sách các quốc gia châu Á có hoạt động sản xuất sôi động hiện nay không chỉ bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, mà còn có một cái tên mới là Việt Nam.
 
Cụ thể, Bloomberg dẫn số liệu của HSBC và Markit Economics cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam liên tục tăng và đạt trên 50 điểm kể từ tháng 8 năm 2013 đến nay. Đây là mức điểm cao nhất trong số tất cả quốc gia châu Á mà HSBC và Markit Economics theo dõi.
 
Trong khi đó, chỉ số PMI của Trung Quốc lại giảm 8 tháng trong cùng thời gian trên. Tính đến tháng 1/2015, ngành sản xuất của Thái Lan cũng suy giảm trong 22 tháng.
 


Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế HSBC, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của sản lượng và đơn hàng mới. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới giảm khiến chi phí đầu vào cho sản xuất giảm.
 
Năm 2014, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ trong số 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với vị trí địa lý chiến lược, kết cấu dân số trẻ và chi phí lao động hiện nay thấp hơn Trung Quốc, Việt Nam đã thu hút nhiều “gã khổng lồ” thế giới như Samsung Electronics, Intel và Siemens cùng nhiều công ty may mặc, giày dép khác.
 
Một trong những điểm mạnh khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài chính là chi phí tiền lương thấp. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2013 mức lương bình quân hàng tháng tại Việt Nam là 197 USD, thấp hơn mức 391 USD của Thái Lan và 613 USD của Trung Quốc.
 
Việt Nam có kết cấu dân số trẻ, với khoảng 6% dân số ở độ tuổi trên 65, thấp hơn mức 10% của Trung Quốc, Thái Lan và 13% của Hàn Quốc.
 
Bên cạnh đó, Bloomberg cũng nhận định, phần lớn những nhà máy tại Việt Nam hiện nay đều là ngành công nghệ thấp, thâm dụng nhiều lao động như may mặc, dệt, đồ nội thất và thiết bị điện tử. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có sử chuyển dịch khi nhiều công ty đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D).
 
PMI tháng 3 giảm từ mức 51,7 điểm xuống 50,7 điểm

Theo Cafef



Các bài viết khác