Tin tức Tin tức bất động sản
Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ hai | 19/05/2014 09:31
Chiến thắng Điên Biên Phủ (1954) mãi làm vẻ vang dân tộc Việt Nam. Chiến thắng ấy gắn liền với tên tuổi những người con đất Việt hữu danh và khuyết danh, gắn với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua các tài liệu lịch sử cho thấy trong năm 1953, Người đã có hai quyết định quan trọng là nhân tố làm nên chiến thắng lẫy lừng này. Đó là quyết định mở chiến dịch Tây Bắc và quyết định giao quyền cầm quân thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc
 
Năm 1953, những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương đã đẩy quân Pháp vào thế bị động. Nhằm cứu vãn tình thế, hòng đảo ngược thế trận trên chiến trường, chính phủ Pháp đã quyết định thay đổi tướng tá và kế hoạch tác chiến. Tháng 5 năm 1953, Hăng-ri Nava, Tham mưu trưởng lục quân của khối NATO được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava vạch ra kế hoạch tác chiến gồm 2 bước: Bước 1, phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, bình định miền Nam, xóa bỏ vùng tự do Liên khu V (từ Thu Đông 1953 - Xuân 1954); bước 2, tiến công chiến lược miền Bắc, từ thắng lợi quyết định về quân sự, buộc ta đàm phá theo điều kiện có lợi cho Pháp (từ mùa thu năm 1954). Đây là một kế hoạch có quy mô rộng lớn, địch tập trung binh lực nhằm trong vòng 18 tháng, tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, giành lấy một thắng lợi quyết định, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị. Từ mùa hè 1953, Nava bắt đầu thực hiện bước thứ nhất. Quân địch đã mở liên tiếp nhiều cuộc hành quân trên các chiến trường và ra sức tập trung quân cơ động. Đến cuối năm 1953, Nava đã tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ 44 tiểu đoàn.


Trước âm mưu của địch, tháng 9 năm 1953, tại Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Tại cuộc họp này, Người nêu rõ chủ trương của ta: “Địch muốn đẩy ta vào thế bị động thì ta sẽ buộc chúng phải lâm vào thế bị động, địch muốn tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh thì ta sẽ có kế sách phân tán địch ra mà đánh thì sức mạnh ấy sẽ không còn”. Trên tinh thần ấy, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch, Bộ Chính trị đã phê chuẩn phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu với hướng tiến công chiến lược là Tây Bắc, Tây Nguyên và Trung - Hạ Lào là những nơi địch yếu nhưng không thể bỏ. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm tác chiến của ta là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc về chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là: tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng của ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng; chọn nơi sơ hở và tương đối yếu của địch để đánh, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán. Với phương châm tác chiến này, ta đã khiến quân địch phải thụ động đối phó theo cách đánh của ta. Trong khi chúng tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ để uy hiếp lực lượng ta thì ta chủ trương tiến công nhiều hướng ở phía Tây để buộc chúng phải phân tán lực lượng.


Giữa tháng 11 năm 1953, bộ đội chủ lực của ta theo kế hoạch tiến lên Tây Bắc giải phóng Lai Châu, phối hợp với bộ đội Pathét Lào tiến công địch ở Trung và Hạ Lào. Nava buộc phải điều quân lên Điện Biên Phủ để bảo vệ Lai Châu và Thượng Lào. Kế hoạch của Nava hoàn toàn bị đảo lộn, chúng phải căng lực lượng ra để đối phó với ta. Tuy vậy, dù trong thế bị động nhưng với sự trợ giúp của Mỹ, Pháp đã nhanh chóng xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Quân số địch ở Điện Biên Phủ lên tới 16.200 quân, bao gồm lực lượng bộ binh tương đương 14 tiểu đoàn, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải, một liên đội 12 máy bay. Tập đoàn Điện Biên Phủ có 49 cứ điểm đề kháng mạnh với 3 phân khu liên hoàn. Chính tướng Mỹ Ô.Đa-nhi-en khi lên kiểm tra Điện Biên Phủ đã xác nhận đây là một “pháo đài bất khả xâm phạm”. Với một tập đoàn cứ điểm như vậy địch hy vọng sẽ nghiền nát chủ lực Việt Minh ở thung lũng Mường Thanh.
 
Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Như vậy cả ta và địch đều chọn Điện Biên Phủ làm trận đánh then chốt để kết thúc chiến tranh.


Giao quyền cầm quân cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Trong Chỉ thị gửi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà còn đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng mặt trận.
 
Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua lập công. Trước khi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kiêm Tổng Chỉ huy chiến dịch lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao toàn quyền quyết định cho Đại tướng, Người ân cần căn dặn: "Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".
 

Ngày 12/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Sở Chỉ huy tiền phương thị sát mặt trận. Lúc này chủ trương của ta là “đánh nhanh, thắng nhanh”, dự kiến bắt đầu vào ngày 26/1 và kết thúc sau 3 ngày 2 đêm. Trực tiếp thị sát Mặt trận, nhận thấy tình hình không được thuận lợi, sau nhiều ngày đêm trăn trở suy tính, Đại tướng đã đề nghị lên Đảng ủy Mặt trận và các chuyên gia chuyển phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
 
Theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, khi đã hoàn tất công tác chuẩn bị, chiến dịch Điện Biên Phủ được mở màn vào ngày 13/3/1954. Sau 3 đợt tiến công, 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, vượt mọi hy sinh, gian khổ “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, Quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của ta tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát-xtơ-ri, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh


Các bài viết khác