Tin tức Tin tức bất động sản
Tham gia các FTA: Thắng bại chỉ là quá trình sàng lọc
Thứ hai | 23/03/2015 11:01
"Cuộc chiến hội nhập có thắng có bại nhưng đó là quy luật thị trường và là quá trình sàng lọc, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế. Qua đó, các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc hơn".
Nội dung nổi bật:
 
- Tại buổi tọa đàm “FTA- Cơ hội nào cho Việt Nam”, ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế VN cho rằng, việc gia nhập các FTA là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam. Nền kinh tế đã trải qua giai đoạn WTO, phải đón đầu cơ hội để hội nhập. Đẩy mạnh cải cách thì mới có thể phát triển.
 
- Ông Thiên nhận định, mặc dù chưa chuẩn bị điều kiện để biến cơ hội thành hiện thực nhưng Việt Nam cũng đã chuẩn bị được nhiều “vũ khí” quan trọng như: cơ sở hạ tầng, kết nối các tuyến giao thông...
 
- Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may VN cho biết, cuộc chiến hội nhập có thắng có bại nhưng đó là quy luật thị trường và là quá trình sàng lọc, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế.
 
 
Cuối tuần qua, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “FTA- Cơ hội nào cho Việt Nam” nhằm chia sẻ, giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp như: Tại sao Việt Nam cùng lúc ký nhiều FTA? Nhiều hiệp định được triển khai đồng thời liệu có sự chồng chéo? Nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích gì, gặp phải rào cản nào từ các FTA?... 
 
Tại buổi tọa đàm, đánh giá về tiến trình ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tư do của Việt Nam trong thời gian qua, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế VN cho biết, chưa bao giờ Việt Nam lại có nỗ lực tham gia nhiều hiệp định trong một khoảng thời gian khá ngắn như hiện nay.
 
Kinh tế khó khăn càng cần phải hội nhập
 
Theo đó, ông Thiên cho rằng, nền kinh tế nước ta sau khi gia nhập WTO năm 2007 còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn nỗ lực đàm phán và ký kết nhiều hiệp định. Đây là những hiệp định thể hiện đẳng cấp cao, hiệp định của thế kỷ 21.
 
“Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết các hiệp định để tạo dựng khuôn khổ mới trong giai đoạn hội nhập cấp cao. Tuy nhiên, giữa đàm phán và hội nhập là 2 tiến trình khác nhau. Và những việc chúng ta cần làm sau đàm phán mới thực sự quan trọng” – ông Thiên cho biết.
 
Cũng tại buổi tọa đàm, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất trắc, kinh tế Việt Nam cũng đang hồi phục sau suy thoái, việc gia nhập quá nhiều hiệp định sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, vì trình độ nước ta còn thấp, kinh tế còn khó khăn nên càng cần phải hội nhập.
 
Tất nhiên, khi hội nhập, đây sẽ là một mối lo. Việt Nam hội nhập với các quốc gia lớn hơn, có trình độ phát triển cao hơn sẽ dễ dẫ đến nguy cơ trở thành công xưởng làm thuê, nơi tiêu thụ hộ của các nước đối tác.
 
Việc gia nhập các FTA là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam. Trong kinh tế, không thể chỉ có lợi nhuận mà phải có khó khăn. Việt Nam phải đối mặt với thách thức để đón đầu cơ hội. Nền kinh tế đã trải qua giai đoạn WTO, phải đón đầu cơ hội để hội nhập. Đẩy mạnh cải cách thì mới có thể phát triển.
 
Cơ hội chia đều
 
Nhận định về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia các FTA, ông Trần Đình Thiên cho biết, lợi ích của hội nhập là rất lớn và không thể bỏ qua. Nhưng làm thế nào để tận dụng cơ hội lại là một vấn đề khác.
 
Ông Thiên nhận định, mặc dù chưa chuẩn bị điều kiện để biến cơ hội thành hiện thực nhưng Việt Nam cũng đã chuẩn bị được nhiều “vũ khí” quan trọng như: cơ sở hạ tầng, kết nối các tuyến giao thông phát triển lớn như đường cao tốc, phía Bắc có vành đai Hải Phòng, tuyến Quảng Ninh, tuyến Lạng Sơn…
 
Phía Nam có cao tốc Long Thành, đường bộ, hàng không, trạm trung chuyển quốc tế... Những tuyến hạ tầng này nhằm đảm bảo hội nhập, tạo cơ hội cho phát triển. Về mặt chiến lược, chọn hội nhập để tiến lên là một chủ trương đúng đắn
 
Đánh giá về những khó khăn, ông Thiên cho rằng, bất lợi lớn nhất của Việt Nam là ở năng lực cạnh tranh. Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, do vậy, nếu không xử lý đúng đắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi hội nhập.
 
Thắng bại là quá trình sàng lọc
 
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về những cơ hội của doanh nghiệp, mà cụ thể là các doanh nghiệp Việt Nam trước thềm FTA, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may VN kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN cho biết, lợi ích ở đây là lợi ích tiềm năng. Những người tận dụng được lợi ích sẽ có khả năng cạnh tranh bền vững hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, có tỷ lệ phân chia lợi nhuận trên toàn khu vực.
 
Theo ông Trường, đại đa số các ngành xuất khẩu của Việt Nam hiện nay có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và dễ bị thay thế. Các FTA chính là cơ hội để thực hiện tiến trình tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trên sản phẩm. Do vậy nếu không mở cửa và hội nhập sâu, rất có thể các doanh nghiệp sẽ hết cơ hội để mở rộng thị trường.
 
"Riêng ngành dệt may có 6.000 - 7.000 doanh nghiệp, cuộc chiến hội nhập có thắng có bại nhưng đó là quy luật thị trường và là quá trình sàng lọc, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế. Qua đó, các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc hơn," - ông Trường khẳng định.
 


Các bài viết khác